Truyền thông Đa phương tiện có sức hút gì đặc biệt

Làm thế nào để thực hiện các kỹ xảo điện ảnh tuyệt vời, những thước phim quảng cáo độc đáo hay các sản phẩm truyền thông sáng tạo? Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy tìm hiểu ngay về ngành Truyền thông Đa phương tiện để bắt kịp xu hướng và cùng thỏa sức đam mê.

(Ảnh minh họa)

Ngành Truyền thông Đa phương tiện học những gì?

Truyền thông đa phương tiện là ngành học ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và được sử dụng trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục, giải trí và quảng cáo. Ngành học này đòi hỏi sự tư duy sáng tạo, đam mê nghệ thuật và nhanh nhạy trong việc cập nhật xu hướng mới. Sinh viên sẽ được tiếp xúc và thử sức với các bộ môn liên quan đến báo chí, biên tập, thiết kế nghệ thuật,…

Theo học ngành Truyền thông Đa phương tiện, bạn sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật, công nghệ và kiến thức chuyên sâu về báo chí, truyền thông và quảng cáo để viết ra các ấn phẩm báo chí, biên tập và thiết kế sách báo, hay sáng tạo nội dung video,… Trong quá trình học, bạn sẽ được tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm đồ họa đa phương tiện như: game, website, kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, đồ họa mô phỏng,…

Ảnh minh họa- ngành Truyền thông Đa phương tiện
Ảnh minh họa- ngành Truyền thông Đa phương tiện

Ngoài kiến thức chuyên môn, trang bị kỹ năng là điều rất cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay. Bạn sẽ được tiếp cận những kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, video; kỹ năng thiết kế để tạo ra các sản phẩm đồ họa để đáp ứng toàn diện yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra. Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tư duy phản biện sẽ được đào tạo song song để giúp bạn có thêm sự tự tin khi làm việc trong bất kỳ môi trường nào.

Cơ hội việc làm hấp dẫn

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện có thể làm ở rất nhiều lĩnh vực như truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh,… và giữ các vị trí như:

  • Biên tập viên tại các Đài phát thanh và Truyền hình, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
  • Chuyên viên Thiết kế ấn phẩm, bìa sách, nhãn hiệu sản phẩm.
  • Chuyên viên Thiết kế đồ họa, mô phỏng, ứng dụng trong y học, giáo dục.
  • Giảng viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện.
  • Chuyên viên Quảng cáo, thực hiện các gameshow giải trí, xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh, xử lý âm thanh,…