Kỹ năng cho sinh viên Đồ họa

Khi nhắc đến Apple và Iphone, hẳn bạn sẽ nhớ ngay đến logo quả táo cắn dở nổi tiếng. Khi đến rạp chiếu phim, bạn sẽ thấy có rất nhiều tấm poster quảng cáo phim được trưng bày ở rạp. Khi đọc một cuốn tạp chí thời trang hay bất kỳ một tạp chí nào đó, bạn sẽ ấn tượng với cách trình bày, phối hợp hài hòa màu sắc và hình ảnh trong từng trang báo,… Tất cả những thứ đó chính là sản phẩm của Đồ họa. Và, nếu bạn là một sinh viên Đồ họa thì ngoài kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu, bạn cần lưu ý đến những kỹ năng cho sinh viên Đồ họa dưới đây để có thể gặt hái được những thành công nhất định trong công việc.

Sinh viên Đồ họa - Đại học Duy Tân vẽ tranh ở hẻm phố
Sinh viên Đồ họa – Đại học Duy Tân vẽ tranh ở hẻm phố

1 – Định hình phong cách cá nhân

Thiết kế Đồ họa là nghề dành cho những người đam mê sáng tạo và hiện là một trong những ngành “hot” thu hút được sự theo học của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, sự sáng tạo của mỗi người là khác nhau nên sản phẩm mỗi người tạo ra sẽ khác nhau. Vậy nên, giữa vô vàn người Thiết kế Đồ họa, làm thế nào để sản phẩm của bạn tạo được dấu ấn riêng, nổi bật và được nhiều người biết đến? Để có được điều đó, ngay từ khi còn là sinh viên Đồ họa, bạn phải xây dựng và định minh cho mình một phong cách cá nhân riêng biệt, một cá tính nghề nghiệp độc đáo. Điều này sẽ giúp bạn không thể lẫn với một người Thiết kế Đồ họa nào khác và khách hàng khi nhìn vào một sản phẩm nào đó sẽ nhận ra được đâu là sản phẩm do bạn thực hiện.

Ở Tp. Đà Nẵng, có một số con hẻm được sinh viên Đồ họa và sinh viên Kiến trúc của Đại học Duy Tân “hô biến” từ những con hẻm cũ thành hẻm bích họa. Và, trong mỗi bức tranh được vẽ trong từng con hẻm đó, người dân nhìn vào đều nhận ra những dấu ấn rất riêng mang thương hiệu sinh viên Đại học Duy Tân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2 – Luôn để ý và quan tâm đến các tiểu tiết

Bất kỳ một chi tiết nào dù là rất nhỏ trong sản phẩm Đồ họa đều ẩn chứa một thông điệp hay có một dụng ý nào đó của tác giả. Bởi vậy, những sinh viên Đồ họa trong quá trình học và trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, khi bắt gặp một sản phẩm đồ họa nào từ băng rôn, áp phích, poster, logo, tên nhãn hàng,… đừng bỏ qua những tiểu tiết nhỏ nhất như: font chữ, màu sắc, bố cục,… Hình thành thói quen này sẽ giúp bạn học hỏi được rất nhiều điều bổ ích để có thể vận dụng vào cho việc học cũng như công việc thực tế của bản thân.

Ví dụ như ở Đại học Duy Tân, sinh viên Đồ họa dành rất nhiều thời gian để “lang thang” khắp các con đường, góc phố ở Tp. Đà Nẵng để quan sát các biển hiệu quảng cáo, các tấm băng rôn được treo trên đường,… Sau đó ghi nhớ và ghi chép lại những điều đặc biệt mà mỗi sinh viên cảm nhận được để làm tư liệu cho chính mình. 

3 – Kỹ năng phác thảo

  Đây là một kỹ năng quan trọng mà bất kỳ sinh viên Đồ họa nào cũng phải có, bởi trước khi tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, bạn phải phác thảo ra rất nhiều bản vẽ và chỉnh sửa theo yêu cầu của khách hàng, của sếp,… để có thể cho ra đời sản phẩm cuối cùng. Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc rơi vào tình huống làm việc tự phát, thiếu chuyên nghiệp,… Bên cạnh đó, đối với những người làm Đồ họa, việc ý tưởng bỗng nhiên nảy sinh trong đầu khi đang đi ngoài đường, đi uống cafe với bạn bè,… là điều dễ hiểu nên có kỹ năng phác thảo sẽ giúp bạn “chộp” ngay được những ý tưởng hay khi chúng bất ngờ đến trong đầu bạn.

4 – Làm việc nhóm

 Không chỉ riêng ngành Đồ họa mới cần đến kỹ năng làm việc nhóm mà rất nhiều ngành nghề cần đến kỹ năng này. Đối với ngành Đồ họa, việc phải thực hiện một sản phẩm hay dự án chung với nhiều người, mỗi người đảm nhiệm một khâu khác nhau là việc rất thường xuyên. Thế nên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên Đồ họa phải rèn luyện cho mình kỹ năng làm việc nhóm, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của những bạn trong nhóm thông qua việc: học nhóm, làm bài tập nhóm,… 

 5 – Kỹ năng quản lý thời gian

 Khi thực hiện một sản phẩm nào đó, chắc chắn bạn đã biết được “lịch” phải giao sản phẩm cho khách hàng của mình. Thế nên, bạn cần phải biết quản lý quỹ thời gian của mình, phân chia công việc hợp lý, việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau, việc nào cần dành nhiều thời gian hơn,… Điều này sẽ giúp bạn giảm tải được những áp lực trong công việc, nâng cao được hiệu quả công việc và luôn giữ được uy tín của bản thân.